Công tác quản lý, phát triển thương mại biên giới, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng (27-11-2017)
Cao Bằng là tỉnh miền núi, biên giới nằm ở phía đông Bắc của Tổ quốc, có hơn 333 km đường biên giới giáp với tỉnh Quảng Tây - Nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, với nhiều cửa khẩu thông thương: Cửa khẩu quốc tế (Tà Lùng); cửa khẩu chính (Trà Lĩnh, Sóc Giang); cửa khẩu phụ (Lý Vạn, Hạ Lang, Pò Peo);

Cao Bằng là tỉnh miền núi, biên giới nằm ở phía đông Bắc của Tổ quốc, có hơn 333 km đường biên giới giáp với tỉnh Quảng Tây - Nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, với nhiều cửa khẩu thông thương: Cửa khẩu quốc tế (Tà Lùng); cửa khẩu chính (Trà Lĩnh, Sóc Giang); cửa khẩu phụ (Lý Vạn, Hạ Lang, Pò Peo); bên cạnh đó Cao Bằng còn có nhiều lối mở biên giới và 24 chợ biên giới (chợ trong Khu kinh tế cửa khẩu, chợ xã biên giới). Năm 2014 Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập với tổng chiều dài biên giới khoảng 200km, là tiền đề để tỉnh đưa kinh tế cửa khẩu thành động lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tỉnh Cao Bằng đã điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thị trấn Hùng Quốc (Trà Lĩnh) với tổng diện tích 800ha để xây dựng Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Trà Lĩnh (Việt Nam) - Long Bang (Trung Quốc) và đã được Bộ Công Thương đưa vào dự thảo Đề án tổng thể xây dựng Khu hợp tác kinh tế biên giới Việt - Trung. Hiện nay tỉnh đang tổ chức lập nhiệm vụ quy hoạch chi tiết Khu trung chuyển phục vụ XNK hàng hóa nông, lâm, thủy sản tại thị trấn Hùng Quốc (Trà Lĩnh) với diện tích 100 ha, đã có nhà đầu tư đăng ký đầu tư xây dựng cảng cạn (ICD) tại thị trấn Hùng Quốc với diện tích 20 ha,.. Đó là điều kiện thuận lợi để phát triển thương mại biên giới cũng như đẩy mạnh các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới.

Trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh và sự phối hợp của các cấp, các ngành liên quan đã giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh trong hoạt động thương mại biên giới và đang từng bước thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại các cửa khẩu. Với lợi thế về địa chính trị - kinh tế, hoạt động thương mại biên giới được tỉnh Cao Bằng xác định là một trong những tiềm năng thế mạnh của địa phương. Để khai thác hiệu quả hơn nữa tiềm năng, lợi thế đó, Tỉnh ủy Cao Bằng đã ban hành Chương trình “Phát triển kinh tế cửa khẩu giai đoạn 2011 - 2015, tầm nhìn đến năm 2020”  và đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình. Huy động nguồn lực tập trung đầu tư hơn 380 tỷ đồng thực hiện 22 dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu vực cửa khẩu, tạo điều kiện thu hút đầu tư. Mặt khác, trên cơ sở quan hệ hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc, trong những năm qua tỉnh Cao Bằng và Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây (Trung Quốc) đã cử nhiều đoàn Chính quyền các cấp qua lại hai bên làm việc để thúc đẩy phát triển kinh tế đối ngoại, đẩy mạnh xuất nhập khẩu, trao đổi hàng hóa qua biên giới,…Vì vậy, những năm qua thương mại biên giới Cao Bằng đã đạt được những kết quả rất tích cực, tạo động lực thúc đẩy sản xuất phát triển, tạo thêm việc làm, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân, góp phần đảm bảo an ninh chính trị tại khu vực biên giới, giữ vững chủ quyền quốc gia và xây dựng đường biên giới hòa bình hữu nghị. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2015 đạt hơn 5.860 triệu USD, tăng 770%  so với giai đoạn 2006 - 2010; thu thuế xuất nhập khẩu 724 tỷ đồng, tăng 422 tỷ đồng so với giai đoạn 2006 - 2010; thu phí đạt trên 615 tỷ đồng.  Năm 2016, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh đạt 833,53 triệu USD, tăng 45% so với năm 2015. Đến hết tháng 8/2017 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh đạt  519,92 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu: chì thỏi, linh kiện điện tử, ván gỗ bóc, nhân hạt điều đã qua sơ chế, hoa quả khô, tạo tẻ, tôm các các loại, nông lâm sản của cư dân biên giới. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu gồm: ống thép, hợp kim, Ferro, cốc dầu mỏ đã nung, than cốc, phân bón, các loại gạch (gạch men), máy móc thiết bị, sản phẩm điện tử và linh kiện, vải các loại,.. Công tác đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thương mại biên giới được quan tâm; Công tác quản lý xuất nhập cảnh người và phương tiện qua các cửa khẩu thực hiện  theo đúng quy trình, quy định của pháp luật; Công tác kiểm tra, kiểm dịch y tế đối với hành khách xuất nhập cảnh, phương tiện vận tải, hàng hóa xuất nhập khẩu, kiểm dịch động, thực vật XNK và quá cảnh, giám sát các loại dịch bệnh, kiểm tra vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm,.. luôn được duy trì thường xuyên tại các cửa khẩu biên giới; Công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại được các cấp, các ngành triển khai thực hiện quyết liệt, ngăn chặn có hiệu quả nhiều vụ buôn lậu, vận chuyển hàng trái phép qua biên giới,..

Tháng 5/2017, Sở Công Thương Cao Bằng phối hợp với Vụ Thương mại Biên giới và Miền núi - Bộ Công Thương tổ chức thành công “Hội nghị kết nối thương nhân xuất nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản qua các cửa khẩu biên giới tỉnh Cao Bằng sang Trung Quốc gắn với hàng hóa từ miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo”. Hội nghị đã thu hút được sự tham gia của hơn 200 đại biểu, trong đó gần 100 đại biểu là doanh nghiệp của hai nước Việt Nam và Trung  Quốc.  Kết thúc hội nghị doanh nghiệp 02 nước đã ký kết 04 Bản ghi nhớ hợp tác trên một số lĩnh vực như: thương mại điện tử, trồng dâu nuôi tằm, xuất khẩu gạo, chế biến gỗ. 

         Một số khó khăn, tồn tại:

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý, phát triển thương mại biên giới, kết nối cung cầu hàng hóa và phát triển thị trường trên địa bàn tỉnh còn tồn tại một số hạn chế như: 

- Hệ thống các cửa khẩu của Cao Bằng nằm xa các trung tâm kinh tế lớn của vùng và cả nước, cơ sở hạ tầng tại các cửa khẩu biên giới chưa được đầu tư đồng bộ, đặc biệt là mạng lưới đường giao thông đến một số cửa khẩu phụ, lối mở biên giới đã xuống cấp, đi lại khó khăn; Cơ chế giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu còn phụ thuộc nhiều vào chính sách biên mậu của nước bạn nên còn nhiều khó khăn trong giao nhận, trao đổi hàng hóa. Các chợ biên giới phần lớn nằm ở khu vực vùng sâu, vùng xa của tỉnh, mật độ dân cư thấp, cơ sở hạ tầng chợ còn hạn chế, chưa thu hút được các thương nhân hai bên biên giới đến kinh doanh tại chợ.  Chính sách biên mậu của Trung Quốc không ổn định và có nhiều thay đổi khó lường ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu; Thông tin về thương mại biên giới phục vụ công tác quản lý và điều hành còn thiếu, hạn chế. 

Một số giải pháp

Với vị trí nằm ở cửa ngõ giao lưu hàng hóa từ Quảng Tây và các tỉnh Tây, Tây Nam Trung Quốc ra biển đến các nước ASEAN, trong tương lai Cao Bằng sẽ là trung tâm giao lưu hàng hóa quốc tế giữa tỉnh Quảng Tây cũng như các tỉnh, thành phố phía Tây Nam Trung Quốc như: Quý Châu, Tứ Xuyên, Trùng Khánh với Việt Nam và các nước Đông Nam Á thông qua đường Hồ Chí Minh và đường xuyên Á. Để phát huy lợi thế đó, trong thời gian tới Cao Bằng cần tập trung đầu tư xây dựng các khu kinh tế cửa khẩu, tăng cường các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá, nâng cao chất lượng xuất nhập khẩu. Thực hiện tốt quan hệ kinh tế thương mại với tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc thúc đẩy thương mại song phương. Ưu tiên đầu tư xây dựng phát triển hoàn thiện các cửa khẩu; khuyến khích doanh nghiệp hai nước hợp tác kinh tế lâu dài với nhiều hình thức, và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư sản xuất, kinh doanh tại các khu kinh tế cửa khẩu.

- Tiếp tục rà soát, bổ sung hoàn thiện các cơ chế chính sách nhằm thu hút đầu tư, kinh doanh thương mại, đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường, nâng cao giá trị  xuất nhập khẩu nhất là các mặt hàng xuất khẩu địa phương, khuyến khích tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, thương nhân đầu tư, kinh doanh buôn bán qua các cửa khẩu biên giới.

- Tăng cường công tác nắm bắt thông tin thị trường, hàng hoá, thương nhân tình hình hoạt động kinh tế biên giới trong đó có hệ thống kho hàng để cất trữ bảo quản hàng hoá tại cửa khẩu nhằm chủ động đối phó với sự biến động tại thị trường Trung Quốc. Trang bị thêm các phương tiện phục vụ bốc xếp hàng hoá tại các bến bãi giao nhận hàng hoá tại cửa khẩu và quy định về quản lý nhân lực bốc xếp,.. tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động  xuất nhập khẩu.

- Tiếp tục chủ động phối hợp với phía Trung Quốc để cùng xử lý kịp thời và cụ thể các vấn đề phát sinh trong hoạt động thương mại biên giới. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá, hợp tác kinh tế với tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc. Định kỳ hàng năm tổ chức cuộc gặp cấp lãnh đạo hai bên, để trao đổi phương hướng hợp tác, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương maị biên giới; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, trở ngại đối với hoạt động buôn bán song phương; tăng cường công tác XTTM, luân phiên tổ chức các cuộc hội chợ, hội thảo về hợp tác phát triển thương mại, tạo điều kiện cho doanh  nghiệp hai bên giao thương, có thêm thông tin về thị trường, phát triển quan hệ buôn bán, tìm kiếm đối tác.

- Tăng cường hoạt động của các ngân hàng tại cửa khẩu hai bên, nhằm tạo các dịch vụ mới với nhiều tiện ích để phục vụ trong thanh toám mua bán, trao đổi hàng hoá và dịch vụ qua biên giới Việt – Trung.

    ĐTL-QLTM

Quảng cáo