Kết nối cung cầu hàng hóa và phát triển thị trường trên địa bàn tỉnh Cao Bằng (27-11-2017)
Là tỉnh miền núi ở phía đông bắc,  diện tích rừng chiếm trên 61% diện tích đất tự nhiên, với lợi thế về thổ nhưỡng,  khí hậu mang tính chất đặc thù của dạng khí hậu lục địa miền núi cao, tỉnh Cao Bằng có nhiều sản phẩm từ nông, lâm sản được nhiều người tiêu dùng biết đến như: Miến dong Nguyên Bình, Thạch đen Thạch An, chè Kolia, chè Phija Đén, thuốc lá Nam Tuấn,…

Là tỉnh miền núi ở phía đông bắc,  diện tích rừng chiếm trên 61% diện tích đất tự nhiên, với lợi thế về thổ nhưỡng,  khí hậu mang tính chất đặc thù của dạng khí hậu lục địa miền núi cao, tỉnh Cao Bằng có nhiều sản phẩm từ nông, lâm sản được nhiều người tiêu dùng biết đến như: Miến dong Nguyên Bình, Thạch đen Thạch An, chè Kolia, chè Phija Đén, thuốc lá Nam Tuấn,… Với mục đích tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của tỉnh tiếp xúc với các đối tác, tạo cơ hội hợp tác làm ăn mới với các nhà đầu tư và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm, trong những năm qua ngành Công Thương Cao Bằng  đã tập trung thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong việc kết nối cung cầu hàng hóa và phát triển thị trường trên địa bàn tỉnh, cụ thể:

Trong  năm 2016, ngành Công Thương đã hỗ trợ hơn 20 lượt doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của tỉnh tham gia trưng bày sản phẩm tại một số hội chợ tổ chức tại Hà Nội, Ninh Bình, Tuyên Quang, Bắc Kạn,...Phối hợp với các doanh nghiệp, các địa phương tổ chức thành công 16 hội chợ thương mại với quy mô từ 70- 200 gian hàng tại thành phố Cao Bằng và các huyện trong tỉnh với tổng số 1.565 gian hàng và 1.145 lượt doanh nghiệp tham gia, thu hút trên 120 ngàn lượt khách đến tham quan, mua sắm. Tổ chức 02 phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi, biên giới thuộc Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia tại 02 xã của huyện Bảo Lâm và Bảo Lạc với tổng số 40 gian hàng của 20 lượt doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia với hàng hóa chủ yếu là hàng hóa tiêu dùng thiết yếu do Việt Nam sản xuất, qua đó các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động kết nối với các cửa hàng bán lẻ, đại lý, mở rộng mạng lưới cung ứng hàng hóa đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng, tiếp cận với thị trường Cao Bằng từ đó xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh và phát triển hệ thống phân phối lâu dài tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, an toàn xã hội trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Tháng 5/2017, Sở Công Thương Cao Bằng phối hợp với Vụ Thương mại Biên giới và Miền núi - Bộ Công Thương tổ chức thành công “Hội nghị kết nối thương nhân xuất nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản qua các cửa khẩu biên giới tỉnh Cao Bằng sang Trung Quốc gắn với hàng hóa từ miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo”. Hội nghị đã thu hút được sự tham gia của hơn 200 đại biểu, trong đó gần 100 đại biểu là doanh nghiệp của hai nước Việt Nam và Trung  Quốc.  Kết thúc hội nghị doanh nghiệp 02 nước đã ký kết 04 Bản ghi nhớ hợp tác trên một số lĩnh vực như: thương mại điện tử, trồng dâu nuôi tằm, xuất khẩu gạo, chế biến gỗ,... Tháng 9/2017, Sở Công Thương đã hỗ trợ hỗ trợ 05 lượt doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh tham gia Hội chợ mỗi xã phường một sản phẩm tại thành phố Thái Nguyên và thành phố Hạ Long tỉnh Quảng Ninh. Thông qua việc tham gia các hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa, nhiều sản phẩm của tỉnh đã khẳng định được vị trí đối với người tiêu dùng trong nước như: Các sản phẩm chế biến từ trúc; chè Kolia, chè Phija Đén của Công ty TNHH Kolia; Miến dong Nguyên Bình; lạp sườn, dăm bông, thịt xông khói của Hợp tác xã Tâm Hòa; sản phẩm nông cụ cầm tay (dao, búa, liềm,..) của Làng rèn Phúc Sen. Đặc biệt Hợp tác xã Tâm Hòa đã ký hợp đồng và đưa sản phẩm Lạp sườn, thịt xông khói, dăm bông vào tiêu thụ tại chuỗi siêu thị Big C khu vực miền bắc (Nam Định, Ninh Bình, Hải Phòng, Hạ Long - Quảng Ninh, Việt Trì - Phú Thọ, Thanh Hóa); Siêu thị AEON MALL Long Biên - Hà Nội; Cửa hàng giới thiệu sản phẩm của Công ty thực phẩm sạch  Big green, số 35 Tạ Quang Bửu, thành phố Hà Nội. 

Một số khó khăn, tồn tại:  Qua việc giới thiệu sản phẩm hàng hóa của tỉnh tại các kỳ hội chợ và các kênh thông tin khác cho thấy, các sản phẩm của Cao Bằng đã mở rộng thêm nhiều thị trường tiêu thụ, tuy nhiên các sản phẩm còn nhiều hạn chế khi tham gia thị trường hàng hóa bởi chưa hình thành được chuỗi liên kết sản xuất và phân phối, chưa có nhiều mặt hàng có thể truy xuất nguồn gốc, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chưa bảo đảm cho tiêu thụ lớn; điều kiện bảo quản hàng hóa sau thu hoạch chưa đạt yêu cầu nên thời gian lưu giữ không được lâu và chất lượng không cao. Kinh phí từ ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa, phát triển thị trường còn hạn chế nên chưa tổ chức và hỗ trợ  được nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia các Chương trình kết nối cung cầu do các địa phương trong nước tổ chức.

Một số giải pháp:

- Tăng cường hợp tác, liên kết xúc tiến thương mại, mở rộng giao lưu giữa tỉnh Cao Bằng với các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế thông qua việc tổ chức các Hội nghị kết nối thương nhân xuất nhập khẩu, Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa, Hội chợ triển lãm thương mại.

- Nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh hàng hóa của tỉnh thông qua việc đầu tư vào các ứng dụng khoa học kỹ thuật về  giống, ứng dụng các công nghệ sau thu hoạch nhằm chế biến, bảo quản các sản phẩm đáp ứng được các yêu cầu của thị trường;

- Các sản phẩm nông sản của tỉnh Cao Bằng  được sản xuất với số lượng nhiều nhưng sản phẩm chưa có thương hiệu do đó khả năng cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại so với các địa phương khác còn thấp, do đó cần  chú trọng xây dựng thương hiệu đối với các sản phẩm nông sản của tỉnh.

- Tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia chương trình kết nối cung cầu hàng hóa do các tỉnh, thành phố tổ chức, đặc biệt với thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh,..

  ĐTL-QLTM

Quảng cáo